Trận Tát Nhĩ Hử Chiến_tranh_Minh-Thanh

Bài chi tiết: Trận Tát Nhĩ Hử

Nhận thấy thế lực của mình đã đủ mạnh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích cho rằng điều kiện phục thù đã chín mùi. Năm 1618, ông ban bố "Thất đại hận" (Bảy mối hận lớn, âm Mãn: Nadan Amba Koro) làm lý do khởi binh phản Minh. Điều đầu tiên khẳng định thủ phạm giết cha và ông nội chính là triều đình nhà Minh. Những điều còn lại xoáy vào sự bất bình đẳng, thiên vị của nhà Minh với bộ tộc Diệp Hách mà chế áp các bộ tộc Kiến Châu.[2]

Sau khi khởi binh, trong vòng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 7, thế binh Nỗ Nhĩ Cáp Xích mạnh như chẻ tre, liên tục chiếm một số thành ở Đông Bắc như Phủ Thuận, Thanh Hà, Đông Châu, ... quân Minh trên dưới đều khiếp sợ, tổng binh Phủ Thuận là Lý Vĩnh Phương đầu hàng, phó tướng Vương Mãng Ân tử trận, tổng binh Quảng Ninh Trương Thừa Âm, phó tướng Phó Đình Tương bị giết. Đến cuối năm 1618, quân Nữ Chân đã áp sát Sơn Hải quan.

Đầu năm 1619, vua Minh Thần Tông vội sai Binh bộ Thị lang Dương Cảo làm Liêu Đông Kinh lược sứ, chỉ huy đại quân, cộng với binh lực của các bộ tộc Nữ Chân và Mông Cổ chống Nỗ Nhĩ Cáp Xích, đứng đầu là bộ tộc Diệp Hách, binh lực của quân Triều Tiên, xưng là 47 vạn (thực tế là 14 vạn), chia bốn đường đánh dẹp Hậu Kim. Tháng 02.1619, cả bốn cánh quân cùng xuất quân. Binh lực các cánh quân như sau:

  • Tây lộ quân do tổng binh Sơn Hải quan Đỗ Tùng chỉ huy, khoảng 3 vạn quân Minh.
  • Bắc lộ quân do tổng binh Khai Nguyên Mã Lâm chỉ huy, khoảng 2,5 vạn quân Minh và 1 vạn quân bộ tộc Diệp Hách do Kim Đài Cát chỉ huy.
  • Đông lộ quân do tổng binh Liêu Dương Lưu Đĩnh chỉ huy, khoảng 2,7 vạn quân Minh và 1,3 vạn quân Triều Tiên do Khương Hoằng Lập chỉ huy.
  • Nam lộ quân do tổng binh Liêu Đông Lý Như Bách chỉ huy, khoảng 2 vạn quân Minh.

Ngoài ra, riêng cánh trung quân do đích thân Dương Cảo chỉ huy, gồm khoảng 1,5 vạn quân Minh, lại đồn trú ở Thẩm Dương để chỉ huy.[3]

Nỗ Nhĩ Cáp Xích bình tĩnh phân tích cục diện của quân Minh, từ đó xác định phương châm tập trung binh lực "Bất kể chúng đi bằng bao nhiêu đường, ta chỉ dùng một đường".[4] Từ đó, ông xác định dùng toàn lực quân Bát kỳ (khoảng 6 vạn quân), với ưu thế kỵ binh thiện chiến, tập trung nhanh chóng tiêu diệt từng cánh quân Minh. Đúng như Nỗ Nhĩ Cáp Xích dự đoán, một trong những sai lầm chết người là giữa các tướng Minh có sự bất đồng về phương thức tác chiến, dẫn đến các cánh quân Minh không có sự liên lạc phối hợp, tốc độ hành quân không đều, chủ soái ở xa, không theo kịp tình hình biến đổi của chiến trường; vì thế nếu tác chiến nhanh gọn, sẽ đủ thời gian điều động tập trung binh lực áp đảo tiêu diệt từng cánh quân một, trước khi quân địch kịp nhận ra. Chính vì vậy, tận dụng ưu thế cơ động, Nỗ Nhĩ Cáp Xích cho quân Bát kỳ nhanh chóng tiến đến chiếm lĩnh thế trận trước tại bờ sông Tát Nhĩ Hử (薩爾滸),[5] chờ cánh quân Tây lộ, chủ lực của Minh triều tiến đến.

Tuy được Dương Cảo giao nhiệm vụ chủ lực, nhưng Đỗ Tùng là một tướng chủ quan khinh địch, tiến quân không chờ các cánh quân khác. Ngày 1 tháng 4,[3] cánh quân Đỗ Tùng đã đến Tát Nhĩ Hử. Không biết quân Bát kỳ đã chờ sẵn ở Sarhu (Tát Nhĩ Hử), thay vì đóng trại chờ các cánh quân khác, Đỗ Tùng lại ra lệnh cho quân vượt sông, với dự định nhanh chóng phá tan quân Nữ Chân.

Thấy quân Đỗ Tùng vượt sông, Nỗ Nhĩ Cáp Xích ra lệnh phá đập nước đã chuẩn bị trước. Một phần cánh quân và hầu hết lương thảo của Tây lộ quân bị nhấn chìm. Tuy nhiên, Đỗ Tùng vẫn liều lĩnh tiến quân. Một bộ phận tiền quân do chính Đỗ Tùng chỉ huy tiến vào đóng trại ở đồn Giới Phàm, trấn giữ hẻm núi Cát Lâm Nhai, đề phòng quân Bát kỳ kéo đến, một bộ phận lớn khác đóng trại cạnh bờ sông chờ tiếp ứng. Nỗ Nhĩ Cáp Xích tận dụng ngay cơ hội, chỉ để 1,5 vạn quân cầm chân Đỗ Tùng ở quân trại Giới Phàm, tập trung binh lực tiêu diệt quân trại ở Tát Nhĩ Hử, sau đó hợp lại đánh tan quân trại của Đỗ Tùng. Đỗ Tùng cùng 2 phó tướng Vương Tuyên và Triệu Mộng Lân đều tử trận.

Sau khi cánh quân Đỗ Tùng bị tiêu diệt thì Bắc lộ quân do Mã Lâm chỉ huy cũng vừa kéo đến hẻm núi Thượng Giám Nhai, cách bến Tát Nhĩ Hử khoảng 30 dặm về phía đông bắc. Nhận được tin cấp báo từ tàn quân Đỗ Tùng, Mã Lâm không dám khinh suất, bèn thu thập tàn quân Đỗ Tùng và tổ chức phòng thủ thành một tuyến dài với 3 quân trại. Nỗ Nhĩ Cáp Xích tập trung toàn bộ binh lực tấn công thẳng vào trại do Mã Lâm đóng giữ. Dù quân Minh sử dụng hỏa pháo nhưng do tốc độ chậm, không kịp với đà thần tốc của kỵ binh Nữ Chân nên trại binh tan vỡ, Mã Lâm bỏ quân lính một mình trốn chạy. Hai trại còn lại thấy quân trại chính bị tiêu diệt nên cũng nhanh chóng tan vỡ khi quân Nữ Chân tấn công.

Trận bến Sa Nhĩ

Sau khi tiêu diệt cả hai cánh quân, quân Nữ Chân nhanh chóng chuyển quân về phía Nam để nghỉ ngơi và chờ cánh quân của Lưu Đĩnh kéo đến. Lưu Đĩnh tuy là một tướng tài thiện chiến, nhưng do bất hòa với Dương Cảo nên bị đẩy xuống cánh quân thứ yếu vì thế có nhiều bất mãn. Nắm được điều này, Nỗ Nhĩ Cáp Xích quyết định tiêu diệt cách quân này trước khi Lý Như Bách kéo đến. Ông cho một số quân binh mặc giả quân phục của quân Đỗ Tùng, đến yêu cầu Lưu Đĩnh tăng tốc độ hành quân. Vì nóng lòng lập công nên Lưu Đĩnh mắc bẫy. Ông ta cho quân tiến theo đường núi hiểm trở với mong muốn vượt lên trước cách quân Đỗ Tùng, vì thế rơi vào trận địa phục kích của quân Nữ Chân. Quân Minh nhanh chóng bị chia cắt và bị tiêu diệt. Bản thân Lưu Đĩnh cũng chết trong loạn quân. Chỉ có cánh quân Triều Tiên kịp tổ chức chống trả. Tuy nhiên, họ không thể chống cự nổi với kỵ binh Nữ Chân đông đảo và tinh nhuệ. Hai phần ba số quân Triều Tiên nhanh chóng bị tiêu diệt. Vì vậy, Khương Hoằng Lập và những binh sĩ Triều Tiên còn lại phải đầu hàng.[6]

Mãi 4 ngày sau, Dương Cảo mới nhận được tin dữ liên tiếp báo về là 3 cánh quân đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Ông ta bèn ra lệnh cho Lý Như Bách đưa Nam lộ quân trở về. Lúc này, cánh quân Lý Như Bách đã tiến sâu vào con đường núi hiểm trở chật hẹp, vì phía trước đã bị chặn nên đành đi về bằng đường cũ. Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã đoán trước được việc này và đã bố trí một toán nghi binh ở đây. Khi thấy cánh quân Lý Như Bách đổi đội hình rút lui, họ bèn giương cờ và kèn hiệu nghi binh, giả cách như phục binh Nữ Chân tấn công. Quân Minh hốt hoảng, dẫm đạp lên nhau để thoát thân. Hàng ngàn binh sĩ bị giày xéo mà chết. Không chịu nổi thất bại này, Lý Như Bách đành tự vẫn để không bị triều đình kết tội.

Chỉ trong 6 ngày tác chiến, 6 vạn quân Nữ Chân đã đánh tan 14 vạn liên quân Minh - Triều Tiên - Diệp Hách, làm rung động Minh triều. Danh tiếng Nỗ Nhĩ Cáp Xích vang dội toàn mạn Bắc Trung Quốc. Toàn bộ các bộ tộc Nữ Chân giờ đây hoàn toàn quy phục ông. Trận đánh còn được xem như một trong những trận đánh kinh điển trong nghệ thuật quân sự thế giới khi vận dụng nguyên tắc tập trung binh lực và sức cơ động chiến thuật, thể hiện tài năng quân sự của Nỗ Nhĩ Cáp Xích.[7]